Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.533.614
Truy cập hiện tại 6.034 khách
Giải pháp nào để hạn chế tình trạng rải vàng mã
Ngày cập nhật 12/01/2015

Lâu nay, một hiện tượng xưa cũ nhưng đặt ra nhiều vấn đề mới đó là tập tục rải vàng mã khi đưa tang và đốt đồ giấy cho người đã khuất. Nói là xưa cũ vì nó đã tồn tại trong xã hội Việt Nam hàng ngàn năm, nhưng hiện tại nó đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách trong đời sống văn minh đô thị. Lạm dụng, lãng phí, gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường là những gì mà hiện tượng này đang gây ra. Nên chăng, cần có những giải phải làm thay đổi nhận thức cho người dân hay một chính sách, cơ chế quản lý phù hợp là điều cần thiết.

Theo sau một chuyến xe đưa tang, con đường vốn sạch sẽ đã trở thành con đường đầy rác, vì nó được rải đầy các loại giấy đủ màu, đủ kích cỡ. Tục rải, đốt vàng mã là một tín ngưỡng dân gian có lịch sử hình thành và phát triển cách đây hàng nghìn năm. Ý nghĩa của việc làm này là mong muốn cung cấp cho người đã khuất những vật dụng cần thiết để sử dụng hằng ngày ở cõi âm như lúc còn sống. Như vậy từ ý nghĩa sâu xa, tự nó đã phản ánh tâm thức nhân sinh đáng trân trọng trong đời sống tinh thần người Việt. Tuy nhiên, không phải lúc nào tục đốt vàng mã cũng được sử dụng với ý nghĩa tích cực. Theo nhà nghiên cứu văn hoá Huế Trần Đại Vinh: "Tập tục đốt vàng mã ở Thừa Thiên Huế có người cho rằng đó là yếu tố văn hoá nhưng đa số nhận thức rằng đó là yếu tố mê tín và lạc hậu, nó ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc và nó di lưu trong tập tục của nhân dân. Có thể nói rằng, khi chúng ta thực hiện những phong tục tang ma, ta có hành vi rải một ít vàng mã trên đường thì đó mà một nét đẹp văn hoá. Tuy nhiên hiện nay khi mà người ta sản xuất hàng loạt các loại tiền giả, đó là những loại giấy vụn. Khi đưa tang trên đường, họ lại tung lên các loại giấy vụn này làm ô nhiễm, làm bẩn và làm mất mỹ quan đô thị".

Một đám tang đưa qua địa bàn thị xã Hương Thủy

Dưới góc nhìn kinh tế, theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 50 nghìn tấn vàng mã đã được sử dụng. Theo thống kê chưa đầy đủ, tại thành phố Huế và các huyện, thị xã có đến hàng trăm cơ sở sản xuất kinh doanh vàng mã với doanh thu hàng năm gần cả trăm tỷ đồng. Theo ý kiến của các nhà chuyên môn thì tục đốt vàng mã nay đã biến tướng đến mức khôi hài đáng báo động. Các cơ sở sản xuất vàng mã đã “năng động” đến mức đã làm ra các sản phẩm thời thượng từ ô tô, xe máy, điện thoại thông minh, tiền đồng dollar Mỹ, tiền ngân hàng địa phủ… để phục vụ cho nhu cầu của người dùng. Trong các lễ nghi tang ma, hiếu nghĩa, người ta không chỉ đốt vàng mã truyền thống mà còn phung phí hàng chục, có khi đến hàng trăm triệu cho việc đốt các vật dụng vàng mã. Hệ lụy là, các đường phố đầy rác vàng mã sau đám tang đi qua, những dòng sông, đình miếu đầy rác thải sau mỗi mùa lễ hội. Không ít vụ cháy rừng xảy ra từ việc đốt vàng mã khi viếng mộ, làm thiệt hại nhiều ha rừng thông và gây nên sự lãng phí về kinh tế.
Theo Thượng toạ Thích Huệ Phước - Phó trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế: Tập tục đốt vàng mã đã trở thành một tập tục lâu đời và xuất phát từ nhận thức con người. Muốn thay đổi việc làm này thì phải thay đổi về vấn đề nhận thức. Muốn thay đổi nhận thức của con người không phải một sớm một chiều mà đòi hỏi chúng ta cần phải vận động, hướng dẫn và có những giải pháp cụ thể.
Việc đưa ra giải pháp quản lý đốt đồ vàng mã không phải là để bài trừ mà là đưa ra định hướng đúng cho cộng đồng trước sự bùng nổ cũng như những sai lệch về tâm linh với những ý tưởng ý nghĩa mới mà người ta gắn cho nghi thức này. Với quan niệm đốt càng nhiều đồ mã thì được lộc càng nhiều là tư duy thực dụng xuất hiện trong đời sống hiện đại chứ không phải là truyền thống. Đã đến lúc cần phải có sự tuyên truyền sâu rộng để thay đổi nhận thức trong một bộ phận người dân.
Theo đồng chí Nguyễn Dung - Phó chủ tịch UBND tỉnh thì để thực hiện Quyết định số 56/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Quy định một số vấn đề trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung cấm rải vàng mã ở 15 tuyến đường điểm là Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Hùng Vương, Võ Thị Sáu, Phạm Ngũ Lão, Đống Đa và Chu Văn An (thành phố Huế); Thống Nhất, Trần Quốc Tuấn, Lê Hoàn và Lý Bôn thuộc phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà); Nguyễn Tất Thành, Sóng Hồng, Tân Trào và Nguyễn Khoa Văn (thị xã Hương Thủy), truớc mắt UBND tỉnh sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền thông qua hình thức cổ động trực quan, trên phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống phát thanh của phường, xã, thị trấn...
 

Xuân Liêm.huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày