Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.534.557
Truy cập hiện tại 6.399 khách
Đốt hàng mã, một hủ tục cần bài trừ
Ngày cập nhật 26/12/2014

Rất nhiều người thích đốt hàng mã mỗi khi cúng kiếng, lễ tết, ma chay và đốt hàng mã thật sự là việc lãng phí cần nên loại bỏ. Thời gian gần đây, nhiều người làm ăn khấm khá thì phong trào đốt hàng mã có chiều hướng gia tăng.

Thật là mơ hồ khi nhiều người cho rằng sau khi cúng kiếng cho người thân cần đốt các loại hàng mã như giấy tiền, giấy bạc, quần áo, đồ trang sức, thậm chí cả nhà lầu, xe máy xe hơi, điện thoại đắt tiền… để người thân ở thế giới bên kia có mà sử dụng. Lợi dụng sự mê tín của nhiều người mà bây giờ các nhà sản xuất hàng mã cho ra thị trường hàng mã các sản phẩm vô cùng phong phú và đa dạng từ nhà lầu, xe hơi, điện thoại di động, xe gắn máy… Nhiều người dám bỏ ra vài ba triệu đồng mua hàng mã đốt cho người thân.

Đốt vàng mã

Ảnh: Internet

Không biết người thân của họ ở phương trời vô định có hưởng được tài sản do họ gửi xuống hay không chứ nhìn cảnh họ đốt giấy như đốt tiền thì nhiều người thật sự chạnh lòng vì trong xã hội có biết bao người còn gặp hoàn cảnh khó khăn cần phải trợ giúp.
Phải chi số tiền đốt hàng mã, người ta giúp cho những mảnh đời bất hạnh thì quý biết dường nào. Cách đây không lâu tôi có đi dự đám mãn tang của một người quen là một gia đình giàu có, tôi thấy họ mua rất nhiều hàng mã nào là nhà cao cửa rộng, xe máy, đồng hồ, đô la, điện thoại di động… Hỏi ra thì gia chủ cho biết tốn gần 5 triệu đồng cho tiền hàng mã.
Một cảm nhận thấy tiếc làm sao cho số tiền dùng vào việc này. Hằng năm, nước ta tiêu tốn hàng mấy mươi tỉ đồng cho việc đốt hàng mã vì vậy mà hiện có nhiều cuộc vận động người dân nên bỏ thói quen đốt hàng mã. Có nhiều ngôi chùa từ bỏ việc đốt hàng mã và khuyên các Phật tử nên bỏ thói quen lạc hậu này vì trong Kinh Phật không hề dạy Phật tử đốt hàng mã.
Tệ hại nhất là hình ảnh đám tang, cứ quan tài khiêng đến đâu là tiền hàng mã rải đầy trên đường đến đó và sau khi đám tang ấy đi qua, từ con đường sạch đẹp ban đầu trở thành con đường bẩn vì lượng tiền vàng mã đầy trên đường.
Có thể nhận ra càng ngày càng có nhiều người lạm dụng đốt hàng mã, cứ mỗi lần cúng kiếng là có đốt hàng mã. Hằng năm cứ đến ngày cận tết là các loại giấy tiền hàng mã bán rất chạy vì người ta mua đặng cúng kiếng vào dịp tết để ông bà có tiền xài ở cõi âm.
Cần nhận ra rằng đốt hàng mã là hủ tục cần bài trừ. Đốt hàng mã vừa lãng phí tiền bạc, vừa gây ô nhiễm môi trường, thậm chí có nhiều tiểu thương gây hỏa hoạn, cháy nổ tại các chợ vì họ đốt hàng mã khi cúng kiếng. Dù Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân nhưng việc đốt hàng mã là sự mê tín đáng chê trách.
Cúng kiếng xa xỉ chỉ là hình thức phô trương sự giàu có chứ không có ý nghĩa tỏ lòng thành với người đã khuất. Để tưởng nhớ những người đã khuất, chỉ cần ta đốt một nén hương với lòng thành kính thì chắc chắn hương hồn họ đã mãn nguyện rồi.
Trước đây khi nhận ra việc đốt pháo là lợi bất cập hại, Đảng và Nhà nước ta đã mạnh dạn đưa ra quy định cấm đốt pháo và được sự đồng thuận của toàn xã hội. Tại điểm C, điều 18 Nghị định 75/2010/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa quy định mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi đốt đồ vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác.  
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1.9.2010 nhưng đến nay đã gần 4 năm, nhiều người dân vẫn chưa biết nghị định này nên cứ vi phạm thường xuyên. Vì vậy, các ngành chức năng cần tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu tác hại của việc đốt hàng mã nhằm giảm thiểu tình trạng này và dần dần mới có thể xóa bỏ hoàn toàn được.
Mong sao rồi đây, việc đốt hàng mã cũng bị cấm tuyệt đối để nước ta hằng năm không phải thất thoát một khoản tiền vô lý như vậy. Ta thử hình dung với số lượng giấy làm hàng mã đốt đi nếu dùng vào việc sản xuất tập tặng cho trẻ em nghèo hiếu học chắc chắn sẽ thiết thực hơn nhiều.
 

Xuân Liêm.huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày