Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.536.415
Truy cập hiện tại 7.140 khách
Phòng và xử trí khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn
Ngày cập nhật 12/12/2014

Khuyến cáo của các chuyên gia và bác sỹ, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, cách tốt nhất là đưa nạn nhân nhanh chóng đến bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất vì loài này cực độc. Về phương pháp phòng tránh, người dân phải thường xuyên phát quang bụi rậm, hạn chế đi lại ở các vùng ẩm thấp, cây cối rậm rạp…

Theo Wikipedia, rắn lục đuôi đỏ (tên khoa học là Trimeresurus albolabris) thuộc họ Rắn lục (Viperidae), bộ Có vảy (Squamata). Đây là loài cực độc trong số các loại rắn lục, mình xanh và đuôi có màu nâu đỏ, với cân nặng khoảng 300gram. Tổng chiều dài con đực 60cm, chiều dài đuôi khoảng 12cm; tổng chiều dài con cái khoảng 81cm; chiều dài đuôi khoảng 13cm.
Đây cũng là loài đặc biệt trong họ hàng nhà rắn lục, vì chỉ có rắn lục đuôi đỏ là loại đẻ con, chúng không giống một số loài rắn khác ấp trứng mà sau khi trứng được thụ tinh thì ở lại ngay trong bụng rắn mẹ và quây thành bào thai riêng biệt như của loài thú.
Lúc rắn mẹ mang thai, do cấu tạo đặc biệt, nọc độc của nó tập trung nhiều nhất và hung dữ nhất. Loài rắn này sinh sống chủ yếu trên khu vực núi cao và trong các khu rừng sâu thuộc dãy Trường Sơn, vùng núi thuộc khu vực Tây bắc Việt Nam. Thị lực của rắn lục rất tốt vào ban đêm nhưng ngược lại ban ngày thì thị lực yếu.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ tháng 10 cho đến nay, Bệnh viện Trung ương Huế có 17 trường hợp bệnh nhân (BN) nhập viện tại Khoa cấp cứu do rắn cắn; trong đó, có 10 trường hợp BN bị rắn lục đuôi đỏ cắn (6 trường hợp có hộ khẩu thường trú ở thị xã Hương Thủy, một trường hợp ở thị xã Hương Trà).
Trên địa bàn thị xã Hương Thủy, trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn gần đây phải nhập viện tại Khoa cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 27-11 là anh Võ Văn Đằng, trú tại tổ 16 phường Phú Bài. Anh Võ Văn Đằng kể lại: Sáng 27-11 lúc 10 giờ, anh ra vườn phát cây thì bị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn vào bàn tay. Đầu tiên không phát hiện được rắn cắn, sau đó gọi người nhà ra thì thấy con rắn đang nằm dưới cây dao phát vườn là con rắn lục xanh đuôi đỏ. Khi mới bị rắn cắn vào đầu phần bàn tay có cảm giác toàn thân bị tê như ong đốt, máu tuôn ra sau đó sưng dần lên. Người nhà đưa anh đi Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy cấp cứu, sau đó chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế để điều trị.  
Mới đây nhất, bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn là anh Nguyễn Xuân Tr., 30 tuổi, trú ở P.Hương Vân, TX.Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Vào tối 2.12, anh Tr. đi soi cá thì bị rắn lục đuôi đỏ cắn và phải nhập viện cấp cứu.
Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, biểu hiện bên ngoài đó là vết cắn bị chảy máu, sưng tấy nhanh, xuất huyết dưới da, chảy máu và có thể xuất huyết não, phù nề, gây rối loạn đông máu và hoại tử, kèm theo chóng mặt, lo lắng, sốc, suy thận cấp do tiêu cơ vân...
Tác giả Lê Đình Dũng dẫn lời Bác sỹ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học Nhiệt đới (BV Đà Nẵng) cho biết, số ca bị rắn cắn chuyển đến khoa này điều trị có chiều hướng tăng. Theo bác sỹ Hàm, hiện chưa có ca nào tử vong do loài rắn này cắn nhưng phải điều trị dài ngày. Hiện tại các bệnh viện tuyến huyện chưa đủ điều kiện để chữa trị dứt độc rắn lục đuôi đỏ, do đó, khi bị rắn cắn thì nạn nhân cần phải sơ cứu rồi chuyển lên các bệnh viện tuyến tỉnh gấp để chữa trị.
Còn bác sỹ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó giám đốc Trung tâm cấp cứu TP.Đà Nẵng nhận định: “Trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn mức độ nguy hiểm rất cao. Người dân khi bị rắn cắn phải bình tĩnh xử lý ngay tại vết thương. Tùy vào vị trí bị cắn thì mức nguy hiểm sẽ khác nhau. Ví dụ cắn đầu tay đầu chân thì khả năng thời gian thể hiện bệnh thì sẽ chậm hơn so với cắn ngay vùng tim, vùng ngực vùng mặt”.

Rắn lục đuôi đỏ và các biểu hiện bên ngoài khi bị rắn cắn

Ảnh: Internet

Đồng với quan điểm này, bác sĩ Nguyễn Văn An - Chuyên khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định khuyến cáo: Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân cần bình tĩnh, nằm bất động, để phần cơ thể hay phần chi bị cắn thấp hơn tim tối đa có thể, tháo toàn bộ đồ trang sức trên tay, chân để tránh bị chèn ép khi chi bị sưng nề sau đó tiến hành dùng băng cuộn hoặc những miếng vải buộc lại với nhau thành dải dài rồi cuốn quanh chi bị cắn, mức độ chặt vừa phải sau đó dùng nẹp để nẹp cố định chi. Băng chặt vừa phải là băng chặt tay nhưng các đầu chi vẫn còn hồng. Nếu băng quá chặt sẽ trở thành garo chi sẽ có nguy cơ hoại tử chi dẫn tới cắt cụt chi hoặc hội chứng nhiễm độc nặng khi tháo garo. Băng cuốn quanh chi và bất động sẽ làm chậm hấp thu nọc độc vào cơ thể, càng vận động nhiều nọc độc xâm nhập vào cơ thể càng nhanh và nhiều. Sau khi băng và nẹp cố định, cần khẩn trương đưa người bị rắn cắn tới cơ sở y tế. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, tự thở được thì cần đưa bệnh nhân tới các trung tâm chống độc hoặc các bệnh viện các chuyên khoa chống độc. Nếu bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp, tuần hoàn hay có biểu hiện yếu liệt chân tay thì cần phải đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để tiến hành sơ cứu kiểm soát đường thở và tuần hoàn cho bệnh nhân trước khi chuyển đến tuyến chuyên khoa.
Khi bị rắn lục cắn cần tránh chích rạch và nắn máu tại vết cắn vì như vậy sẽ làm cho độc tố lan truyền nhanh hơn và nguy hiểm đến tính mạng người bệnh hơn. Tuyệt đối không được đến các thầy lang để đắp thuốc đắp lá vì đến bệnh viện càng chậm nguy cơ tử vong càng cao.
 

Xuân Liêm.huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày