Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.544.451
Truy cập hiện tại 3.344 khách
Giữ cho con cháu đời sau
Ngày cập nhật 02/10/2014

Biết tên ông đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi được trò chuyện với ông - một trong số ít nghệ nhân còn lại của xứ Huế vẫn lưu giữ nét văn hóa Huế qua những ngôi nhà rường cổ. Ông là nghệ nhân Lê Kim Tân, hiện đang sống tại thôn 5, xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy.

Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi xin được cuộc hẹn tại nhà riêng của ông. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi, đó là một “ông lão” gốc Huế, giọng nói đặc sệt Huế, đầu tóc bạc trắng, da dẻ hồng hào, khuôn mặt đôn hậu cùng với nụ cười mãn nguyện của một người ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”.
Câu chuyện được bắt đầu bằng ký ức của hơn 50 năm về trước, lúc ông vừa tròn 18 tuổi: Ngày đó tôi chỉ là một cậu bé đi học nghề và được cha  mẹ chọn theo nghề “rường” (“rường” là một cách nói rút ngắn của rường cột), một cái nghề rất khó học, đòi hỏi tính tỉ mĩ và sự kiên trì. Không như bây giờ, cái gì cũng có máy tính hỗ trợ, làm gì cũng đã có sẵn bản vẽ. Hồi đó, phần nhiều đều bỏ học nửa chừng, không mấy người còn trụ đến ngày thầy cho ra làm thợ. Tôi là người may mắn còn gắn bó với nghề cho đến tận bây giờ.


Nghệ nhân Lê Kim Tân (phải) trò chuyện với PV

Huế xưa kia là Kinh đô của một nước có nền kiến trúc trọng mộc, cho nên từ các cung điện trong thành nội, các dinh, phủ vương công, cho đến nhà cửa của thị dân khá giả ở đây đều thuộc dạng nhà rường. Tuy nhiên, do thời gian, chiến tranh, thiên tai bão lũ nên hầu hết hệ thống nhà rường của Huế gần như bị mai một. Với mong muốn bảo tồn những di sản của cha ông đời trước cũng như “cứu sống” những ngôi nhà rường cổ đang thoi thóp chờ “chết”, ông đã dày công nghiên cứu để lưu giữ lại một nét văn hóa đặc trưng của xứ Huế cho con cháu đời sau.
Nhà rường đã ăn vào máu thịt của ông. Ở đâu cần, ông đều sẵn sàng giúp đỡ. Cách đây 2 năm, kiến trúc sư Lê Vĩnh An, ở Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế mời ông làm người tư vấn và giám sát việc trùng tu các công trình trong quần thể di tích Đại nội Huế. Không những thế, các kỹ sư người Nhật nhờ ông chỉ cho cách làm sao để xây được một ngôi nhà rường, ông đã làm cho họ ba ngôi nhà mô hình, mô phỏng những ngôi nhà rường thật. Họ đã đặt các máy quay ở các vị trí sao cho có thể ghi lại được những công đoạn để xây một ngôi nhà rường.
Rồi ông đi tìm những cuốn sách mà ông được mời làm người hướng dẫn cho chúng tôi xem, như: “Thuật ngữ kiến trúc truyền thống nhà rường Huế”, “Hướng dẫn tu bổ nhà ở truyền thống Huế”... và cả những bản thiết kế nhà rường Huế do những kiến trúc sư mời ông tư vấn. Nâng niu những “đứa con” tinh thần trên tay, với giọng nói hứng khởi, ông cho biết thêm: Bây giờ thì không còn lo nghề này bị mai một nữa rồi, tôi có tám học trò và hiện hai trong số đó đã thành nghề, đó là Ngô Đắc Tùy và Bùi Anh Tuấn, đặc biệt Anh Tuấn là con rể thứ của ông. Hai người này đã xây dựng và phục chế nhiều ngôi nhà rường không chỉ ở Huế mà còn ở các tỉnh thành trên cả nước, trong đó có công trình phục chế hệ thống nhà rường ở Đại nội Huế.
Thời tiết những ngày mùa thu đầy nắng, nhưng mãi nói chuyện với chúng tôi mà ông không để ý đứa cháu ngoại mồ hôi nhễ nhại mới đi học về, ôm đứa cháu nhỏ vào lòng, ông nói: Trước đây tôi sợ những ngôi nhà rường sẽ bị mai một, nhưng bây giờ được sự quan tâm của Nhà nước nên những ngôi nhà rường đã và đang được phục chế. Bằng chứng là những người học trò của ông đang thành công trong việc xây dựng và phục chế nhà rường.
Bên chén trà ấm cúng, ông say xưa nói về nhà rường, về văn hóa Huế. Nếu ngoài trời hoàng hôn chưa buông xuống, chúng tôi còn được nghe câu chuyện không hồi kết của một “lão nghệ nhân nhà rường” mong mỏi ở con cháu đời sau!
 

Bài & ảnh: Thanh Đoàn - Trương Chung
Các tin khác
Xem tin theo ngày