Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 15.547.524
Truy cập hiện tại 4.702 khách
Dấu tích cách mạng tại một ngôi đình
Ngày cập nhật 06/09/2014

Cũng như mọi miền quê khác trên dải đất hình chữ S, sự ra đời của làng Thanh Thủy Chánh (thị xã Hương Thủy – TT Huế) gắn chặt với sự hình thành một ngôi nhà chung của cộng đồng, đó là đình làng. Không chỉ là công trình kiến trúc đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, Đình làng Thanh Thủy Chánh còn là nơi sinh hoạt văn hóa của cả cộng đồng, là điểm nối giữa quá khứ và hiện tại, là nơi ghi dấu những sự kiện cách mạng trọng đại của nhân dân xã Thủy Thanh.

Cách thành phố Huế chừng 5 km về hướng Đông Nam, Thanh Thủy Chánh là một trong những làng được hình thành tương đối sớm ở vùng đất Thuận Hóa. Trong Ô Châu cận lục của Dương Văn An (viết vào năm 1553), dưới thời nhà Mạc, làng có tên là Ôn Tuyền (sau này là Thanh Tuyền). Theo Đồng Khánh Địa Dư Chí, vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, làng Thanh Tuyền có 2 giáp (giáp chính và giáp thượng) đều thuộc xã Thanh Thủy, thuộc Tổng Dạ Lê, nay là xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đình làng Thanh Thủy Chánh ra đời sau khi làng được thành lập. Trải qua thời gian và biến cố lịch sử, ngôi đình đã được trùng tu, sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn giữ được dấu ấn của kiến trúc xưa.

Trụ biểu trước Đình làng

Chính trên mảnh đất Thủy Thanh anh hùng, Đình làng là nơi ghi dấu những sự kiện cách mạng trọng đại của quân và dân nơi đây. Kể từ những ngày đầu Cách mạng tháng 8 năm 1945, Đình làng trở thành địa điểm thành lập và ra mắt chi bộ Đảng xã Thủy Thanh, các tổ chức quần chúng cách mạng, như: Nông hội Đỏ, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Phụ nữ phản đế…, sau là trụ sở của Ủy ban Cách mạng lâm thời và nơi tập trung huấn luyện dân quân du kích chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 1/6/1946, Đình làng là địa điểm tổ chức bầu cử Quốc Hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong giai đoạn từ 1948 đến 1954, Đình làng là căn cứ cách mạng trọng yếu của huyện Hương Thủy nói riêng và tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Năm 1948, chính tại ngôi đình lịch sử này, nhân dân xã Thủy Thanh đã vinh dự được đón tiếp đồng chí Nguyễn Chí Thanh về công tác và triển khai nhiệm vụ cách mạng tại đây. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đình làng là nơi bộ đội và dân quân du kích tập luyện, cất giấu vũ khí chuẩn bị cho phòng trào Đồng Khởi. Ngày 31/10/1964, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thủy Thanh, sau khi tổ chức mittin tại Đình làng đã tỏa ra các hướng nổi dậy phá kìm giành quyền làm chủ, giải phóng toàn xã. Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, tại khu vực Đình làng, lực lượng du kích địa phương đã phối hợp với bộ đội chủ lực huyện Hương Thủy đánh bại đợt càn quét của tiểu đoàn biệt động 39 của địch. Mùa xuân năm 1975, Đình làng là địa điểm đóng quân của Ban Chỉ đạo Chiến dịch huyện Hương Thủy chỉ huy bộ đội đánh địch giải phóng Huế.

Đình làng - nơi ghi dấu những sự kiện cách mạng trọng đại của quân và dân xã Thủy Thanh anh hùng

Cùng với mảnh đất và con người nơi đây, Đình làng đã góp phần tô điểm thêm truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân xã Thủy Thanh trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cũng như chứng kiến những đổi thay ngày càng tốt đẹp hơn trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
 

Bài, ảnh: Thanh Đoàn
Các tin khác
Xem tin theo ngày