Có một Hội âm nhạc Truyền thống ở Hương Thủy
Ngày cập nhật 31/03/2014
các học trò của cụ Nguyễn Đình May

 Hương Thủy là một vùng đất có truyền thống về âm nhạc truyền thống, đặc biệt là âm nhạc cung đình. Trước năm 1975, có một tổ chức đoàn thể âm nhạc truyền thống được hình thành ở huyện Hương Thủy: Hội Cổ nhạc Linh Thanh Hương Thủy.

 Nhiều nhạc công nổi tiếng từng được ghi nhận trong thư tịch như cụ Nguyễn Đắc Tiếu – Chánh đội Nam Triều dưới thời các vua như Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, cụ Lê Văn Hòa, cụ Nguyễn Đình Thị - các nhạc công nổi tiếng dưới thời các vua Khải Định, Bảo Đại … Đó là những nhạc công ở làng Dã Lê Chánh, xã Thủy Vân. Ở xã Thủy Bằng thì có các cụ như Dương Văn Ngô, một nhạc công dưới triều Nguyễn, về sau tham gia giảng dạy cổ nhạc ở Trường Quốc gia Âm Nhạc của miền Nam, cụ Dương Văn Lâm. Ở Thủy Phương có các cụ như Nguyễn Tất Thắng, còn gọi là ông Lục Thắng, Nguyễn Đình Tán, còn gọi là ông Lục Tán… Hầu hết những cụ đó đều là các nhạc công của đội nhạc cung đình của triều Nguyễn. 

Truyền thống âm nhạc cung đình được các cụ truyền lại các thế hệ sau theo nguyên tắc “phụ thừa tử kế” (cha truyền con nối) và đồng thời cũng có nhận học trò là con em của làng mình. Điều đó đã giúp cho âm nhạc truyền thống cung đình ở Hương Thủy, trong một thời gian dài, xây dựng được lực lượng kế thừa có tài năng. Nhiều gia đình, dòng họ, qua sự kế thừa liên tục đã xây dựng nên truyền thống cho chính mình. Tiêu biểu như họ Nguyễn Đắc ở làng Dã Lê Chánh, xã Thủy Vân, họ Dương ở xã Thủy Bằng, gia đình cụ Nguyễn Đình May (1906 - 1989) ở làng Dã Lê Thượng – phường Thủy Phương …
Sau năm tháng 8 năm 1945, đội Nhã nhạc của triều Nguyễn tan rã. Với sự cố gắng của thái hậu Từ Cung (vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại), một đội nhã nhạc được hình thành và thường trình diễn những bản nhạc truyền thống của cung đình. Trong số đó, có những người nhạc công xuất thân từ huyện Hương Thủy. Trên cơ sở đó, khoảng giữa những năm 60 của thế kỷ trước, ở các huyện hình thành nên các hội âm nhạc truyền thống. Với huyện Hương Thủy, hội có tên là “Hội Cổ Nhạc Linh Thanh Hương Thủy” với hội trưởng là cụ Lê Hữu Nhơn, người ở Dã Lê Thượng. 
Hội viên gồm những nhạc công nhã nhạc cũ và các nhạc công âm nhạc truyền thống ở địa bàn huyện Hương Thủy. Trong đó, có những người như cụ Dương Văn Lâm (con trai cụ Bát Ngô – Dương Văn Ngô), cụ Phan Văn Tẩu – người làng Thần Phù … là những người từng tham gia giảng dạy ở khoa Quốc Nhạc của trường Quốc gia Âm Nhạc Huế. 
Sự kiện Mậu Thân 1968 đã gây hư hại từ đường Cổ Nhạc ở đường Nguyễn Trãi, trong Thành Nội. Hội Cổ nhạc Linh Thanh của Huế đã tổ chức quyên góp trùng tu lại nhà thờ tổ nhạc của mình. Năm 1970, từ đường Cổ nhạc được khánh thành nhân dịp Giỗ tổ Cổ nhạc, ngày 17/10 Âm lịch. Góp phần trong đó, phải kể đến các thành viên Hội Cổ nhạc Linh Thanh huyện Hương Thủy. 
Kể về việc này, ông Nguyễn Đình Xê, học trò duy nhất của cụ Lê Hữu Nhơn, hiện ở tổ 4 – phường Thủy Phương, cho biết: Hội Cổ nhạc Linh Thanh của Hương Thủy ngày trước tham gia vào hầu hết các hoạt động lễ hội truyền thống ở các làng của Hương Thủy. Thậm chí là các hoạt động lễ hội của huyện tổ chức. Ở các làng, khi có việc, các đội nhạc sẽ phục vụ miễn phí. 
 
cụ Lữ Hữu Thi đánh trống con trong một lần kỵ tổ nhạc
 
Điều đáng ghi nhận là, các cụ hội viên của Hội Cổ nhạc Linh Thanh Hương Thủy đã cố gắng xây dựng đội ngũ học trò, bằng nhiều hình thức, có năng lực, kế thừa được tinh hoa của cổ nhạc. Sự tham dự của một số cụ trong việc giảng dạy quốc nhạc ở trường Quốc gia Âm Nhạc trước năm 1975 có ý nghĩa quan trọng, góp phần mình vào việc bảo tồn một nền âm nhạc truyền thống. Trên cơ sở đó, âm nhạc truyền thống cung đình, lẫn dân gian được duy trì, phát huy về sau. 
Ngày nay, một số thành viên của Hội Cổ nhạc Linh Thanh Hương Thủy ngày trước vẫn còn hoạt động âm nhạc truyền thống. Họ xây dựng đội ngũ học trò có tay nghề. Nhiều gia đình qua sự truyền thừa đó đã làm giàu thêm truyền thống của mình. Đồng thời, có những học trò xuất thân từ các gia đình cổ nhạc, học trò của các thành viên Hội Cổ nhạc Linh Thanh xưa  đã trở thành thành viên của đội nhã nhạc cung đình Huế ngày nay. Có thể nói, trên một chừng mực nào đó, Hương Thủy có những nhạc công xưa, cũng như nay, đã góp phần mình vào việc phát huy một giá trị âm nhạc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 
 
Đình Đính-huongthuy.thuathienhue.gov.vn
Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn