Tìm kiếm
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Thống kê truy cập
Tổng lượt truy câp 14.619.710
Truy cập hiện tại 1.105 khách
Nghị lực của đôi bàn tay khiếm khuyết
Ngày cập nhật 13/03/2024

Chị Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1990) ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy là chủ của cơ sở thêu tay truyền thống Thanh Hà. Không may mắn như bao người chị mắc phải căn bệnh teo cơ tay phải bẩm sinh từ nhỏ nhưng với nghị lực và sự cố gắng, chị đã vượt qua bao gian nan thử thách để thực hiện ước mơ lập nghiệp và giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn với chính niềm đam mê thêu tay của mình.

Chị Hà (ngoài cùng bên phải) tại cơ sở thêu của gia đình

Đến với cơ sở sở thêu tay truyền thống Thanh Hà ngắm nhìn những sản phẩm thêu tay tinh xảo và đầy nghệ thuật ấy không ai nghĩ đây là sản phẩm của một cô gái có đôi bàn tay khiếm khuyết. Nói đến cơ duyên đến với nghề thêu, chị Hà tâm sự “Từ lúc học cấp 3, bản thân mình đã được học nghề thêu nên dần dần cũng cảm thấy yêu thích, sau này xác định bản thân muốn phát triển và đi theo nghề này nên mình đã đăng ký học tại Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật tỉnh, bên cạnh đó mình còn tìm đến các nghề nhận có kinh nghiệm để học hỏi nâng cao tay nghề”.
 
Ngoài nghị lực và sự khéo léo của đôi bàn tay, chị Hà còn là một người dám thử, dám sáng tạo nhiều cái mới. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, chị thường xuyên nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm mới lạ như: tranh thêu cao cấp, tranh thêu phong thủy, thêu trên sản phẩm thời trang, hàng lưu niệm, thêu trên xương lá bồ đề,… với nhiều họa tiết đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của đổi bàn tay như chữ thư pháp, hình ảnh bông sen, tượng phật... Đây cũng chính là dòng sản phẩm đem lại cho Hà giải khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh năm 2023.
 
Bước ra từ cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sản phẩm thêu tay của chị Hà được nhiều người biết đến hơn. Không chỉ là khách hàng tìm đến để mua sản phẩm mà còn rất nhiều mảnh đời khó khăn tìm đến chị để xin học nghề.  Bản thân cũng là người yếu thế và nỗ lực để vươn lên nên chị Hà hết lòng hỗ trợ với tất cả các học viên đến học nghề. Chị dạy nghề với cả tâm huyết của mình, không những vậy chị còn dạy miễn phí cho tất cả các học viên khuyết tật. 
 
Ngoài dạy nghề, Hà còn là người bạn, người đồng hành truyền động lực cho các học viên vươn trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhung - người được Hà hỗ trợ dạy nghề và việc làm tại cơ sở chia sẻ, ngoài hỗ trợ dạy nghề, Hà còn động viên mình rất nhiều. Nhờ vậy mình mới thành thạo nghề và có thu nhập ổn định như hiện nay. Học nghề với Hà mình được biết thêm nhiều cách thêu sáng tạo và hiện đại.
 
Theo chị Văn Thị Hằng - Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Phương, dù không may mắn nhưng chị Hà đã biết nỗ lực vượt lên chính mình để xây dựng mô hình khởi nghiệp. Mô hình của chị Hà không những có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. 
 
Với sự nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghĩ, những sản phẩm thêu tay truyền thống của Hà ngày càng lan tỏa và đem lại nguồn thu nhập ổn định. Điều đó đã giúp cô gái khuyết tật “sống khỏe” với nghề, với đam mê của mình. Và thật đáng quý, đáng trân trọng khi Hà đã không ngại dang đôi tay bé nhỏ của mình để dìu dắt những mảnh đời khiếm khuyết như mình cũng vững bước trên hành trình phía trước.
Nuôn Thà
Các tin khác
Xem tin theo ngày