Hương Thủy trong năm đầu hòa bình lập lại: Phong trào đấu tranh chính trị 1954-1955
Ngày cập nhật 03/04/2015

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân ta kết thúc với chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp ký kết Hiệp định Genève (7 - 1954) về “chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương”, công nhân độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng đất nước ta còn bị chia ra làm hai miền: miền Bắc được giải phóng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam còn dưới ách thống trị của đế quốc và tay sai, nhân dân miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc.

Hiệp định Genève quy định khu vực tập kết quân đội hai bên và sẽ tiến hành hiệp thương đi đến tổng tuyển cử vào tháng 7 - 1956. Nhưng đế quốc Mỹ âm mưu thay chân Pháp, đặt ách thống trị thực dân kiểu mới trên miền Nam của đất nước ta. Trước khi hiệp định Genève ký kết, tháng 6 – 1954, đế quốc Mỹ đưa Ngô Đình Diệm từ Mỹ về Sài Gòn làm chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thân Mỹ ở miền Nam. Từ ngày 1 – 11 - 1955, Mỹ buộc Pháp công nhận trách nhiệm tổ chức huấn luyện quân đội Nam Việt Nam thuộc về phía quân sự Mỹ. Ngày 30 – 6 - 1955, toàn bộ quân viễn chinh Pháp rút khỏi Việt Nam, từ đó quân đội Nam Việt Nam do Mỹ trực tiếp tài trợ, huấn luyện và trang bị. Như vậy là đến năm 1955, Mỹ nắm và điều khiển chính phủ Ngô Đình Diệm và quân đội Sài Gòn. Đế quốc Mỹ trực tiếp trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân ta.

Sau hiệp định Genève, cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới:  đấu tranh chính trị trong hòa bình. Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa 2) lần thứ 6 (7 - 1954) nêu rõ: “Tiến hành đấu tranh chính trị để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước”.

Huyện Hương Thủy cũng như toàn tỉnh Thừa Thiên từ nay trở thành vị trí tiền tiêu giữa miền Bắc và miền Nam. Cùng với tỉnh Quảng Trị, ở Thừa Thiên Huế, địch tăng cường lực lượng, xây dựng bàn đạp đánh phá miền Bắc, lập tuyến phòng thủ mạnh chia cắt hai miền.

Sau 8 năm chiến đấu, đình chiến đã đem lại niềm phấn khởi cho nhân dân huyện Hương Thủy. Thắng lợi của việc lập lại hòa bình có sự đóng góp của nhân dân Hương Thủy. Trong khí thế chào mừng hòa bình, nhân dân ta không khỏi bản khoăn, lo lắng khi chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng không còn bên cạnh nhân dân nữa. Huyện ủy Hương Thủy đã tổ chức cho nhân dân học tập hiệp định Genève, mở đợt tuyên truyền giáo dục về hiệp định, tình hình nhiệm vụ và phương châm, phương pháp đấu tranh. Đồng thời, chuẩn bị tinh thần và điều kiện cho bộ đội địa phương của huyện và một số cán bộ đi tập kết. Nhiều xã thôn trong huyện, nhân dân đã tổ chức mít-tinh mừng chiến thắng.

Ngày 24 – 8 - 1954, bộ đội địa phương huyện Hương Thủy đã cùng với đơn vị trong tỉnh về tập kết tại thôn Sơn Quả thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền. Đêm 25 – 8 - 1954, nhân dân Hương Thủy ở vùng bị tạm chiếm phụ cận thành phố cũng như vùng căn cứ du kích đã đến Sơn Quả dự cuộc mít-tinh lớn để kỷ niệm Cách mạng tháng Tám lần thứ 9 và chia tay bộ đội, cán bộ ra Bắc tập kết.

Tỉnh ủy Thừa Thiên đã họp tại chiến khu Hòa Mỹ để đánh giá thắng lợi Hiệp định Genève, nhấn mạnh giải phóng nửa nước phía Bắc, hậu thuẫn cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, quán triệt chủ trương của Đảng chuyển hướng lãnh đạo cách mạng miền Nam. Tỉnh ủy chủ trương lãnh đạo nhân dân trong tỉnh khôi phục lại đời sống bình thường sau chiến tranh, đòi địch thi hành hiệp định, đòi hiệp thương tổng tuyển cử, bảo vệ cán bộ và quyền lợi ruộng đất do cách mạng đã đem lại cho nông dân trong kháng chiến. Về tổ chức Đảng, củng cố cấp ủy từ tỉnh đến xã. Tổ chức các xã ủy và lập chi bộ thôn gọi là chi bộ nhỏ, tinh gọn, bí mật, hiệu lực, thực hiện đảng tồn tại trong lòng quần chúng ...

Thực hiện chủ trương của tỉnh ủy, tổ chức đảng ở Hương Thủy được củng cố. Đến tháng 9 - 1954, huyện ủy Hương Thủy gồm 5 đồng chí do đồng chí Tôn Thất Sơn làm Bí thư Huyện ủy.

Trong lúc đó, địch ra sức tuyên truyền cho “chính phủ quốc gia” với những thủ đoạn lừa bịp nhân dân, đồng thời chúng tập trung lực lượng càn quét vào vùng căn cứ kháng chiến, vùng ven núi trong huyện để uy hiếp tinh thần nhân dân ta.

Ngày 7 – 9 - 1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp hội nghị bàn về nhiệm vụ cách mạng miền Nam và ra chỉ thị cho miền Nam. Triển khai nghị quyết Bộ Chính trị, Liên khu 4 đã chỉ thị cho 2 tỉnh ủy Quảng Trị, Thừa Thiên: “Kẻ thù từ thực dân Pháp chuyển sang đế quốc Mỹ. Cuộc đấu tranh ở miền Nam là một cuộc đấu tranh  giai cấp quyết liệt. Kẻ thù sẽ tiến công dữ dội vào Đảng ta. Do đó, phải tăng cường củng cố Đảng, giữ khối đoàn kết quần chúng xung quanh Đảng với khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, hòa bình, thống nhất, độc lập”. Cuối năm 1954, Tỉnh ủy Thừa Thiên đã tổ chức học tập trong toàn Đảng bộ về nghị quyết Bộ Chính trị, chỉ thị Liên khu ủy 4. Huyện Hương Thủy đã tổ chức học tập quán triệt tinh thần chỉ thị, nghị quyết trên của Đảng đến tận đảng viên các chi bộ.

Nhân dân các xã ở Hương Thủy đã tổ chức bảo vệ cơ quan, cán bộ Tỉnh ủy chuyển về hoạt động đồng bằng, bố trí nơi ăn ở, bảo vệ cho hội nghị tỉnh ủy mở rộng đến các bí thư huyện ủy tại thôn Lang  Xá Bàu xã Hồng Thủy. Tại hội nghị này, Tỉnh ủy đã chủ trương phát động phong trào đấu tranh chính trị rộng lớn trong toàn tỉnh theo nội dung nghị quyết Bộ Chính trị. Huyện ủy Hương Thủy đã bám sát cơ sở chỉ đạo phong trào. Xã ủy và các chi bộ nhỏ bám sát quần chúng các thôn xã lãnh đạo nhân dân đấu tranh theo các khẩu hiệu: “Hòa bình, cơm áo, cứu trợ tai nạn chiến tranh, trợ cấp thương binh giải ngũ, cứu đói như cứu lửa, tự do đi lại làm ăn, lập lại quan hệ bình thường Nam – Bắc”.

Nhân dân các thôn xóm đã nhanh chóng xây dựng, sửa sang nhà cửa, nương vườn, khai hoang phục hóa ruộng đất, đấu tranh giữ lại ruộng đất cách mạng đã cấp cho nông dân trong kháng chiến, duy trì phong trào bình dân học vụ, đòi mở chợ, trường học, trạm xá, sữa chữa đường xá, cầu cống ... Nhân dân đã tương trợ, đùm bọc lẫn nhau chống nạn đói và đòi Ngụy quyền cứu trợ nạn đói.

Đáng kể là, phong trào đòi đắp đập Thuận An ngăn nước mặn dâng lên sôi nổi, rầm rộ khắp trong tỉnh. Ngày 1 – 5 - 1955, hàng ngàn nhân dân Hương Thủy đã được tổ chức lãnh đạo của Huyện ủy đã lên Huế tham gia cuộc mít-tinh ba vạn người tại Phu Văn Lâu để kỷ niệm ngày quốc tế lao động. Và một số nhân sĩ, trí thức đã về các xã Thiên Thủy, Hồng Thủy ... hình thành ban bình dân học vụ và tổ chức lớp học, qua đó tuyên truyền về hòa bình, giác ngộ quần chúng đấu tranh  chống địch, bảo vệ hiệp định, đòi hiệp thương, đòi tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

Phong trào hòa bình phát triển sôi nổi, rộng rãi ở Huế, liên kết chặt chẻ với phong trào Sài Gòn – Chợ Lớn đã thu hút một số nhân sĩ, trí thức Hương Thủy ở vùng ven đô. Tập văn “Ngày mai” của phong trào hòa bình, đã đề cập nhiều khía cạnh, các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa phù hợp với tinh thần phát động phong trào đấu tranh chính trị rộng lớn của tỉnh ủy. Tập văn “Ngày mai” được phát hành rộng rải ở Hương Thủy.

Kỷ niệm một năm ngày ký hiệp định Genève, đêm 20 rạng ngày 21 – 7 - 1955, cơ sở cách mạng huyện Hương Thủy đã rải truyền đơn, từ đường Huyền Trân Công Chúa đến Cầu Lòn. Nhiều biểu ngữ mang dòng chữ: “Nhà đương cục hai miền phải hiệp thương bàn tổng tuyển cử tự do, thống nhất nước nhà” treo ở hàng loạt nhà dọc đường Huyền Trân Công Chúa.

Phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình, đòi thi hành hiệp định Genève, đòi hiệp thương tổng tuyển cử phát triển mạnh mẽ, quyết liệt. Phong trào diễn ra khắp nơi ở Hương Thủy với nhiều hình thức, nội dung phong phú như: rải truyền đơn, treo băng cờ khẩu hiệu dọc đường quốc lộ I và một số đường ven đô, tỉnh lộ, huyện lộ như từ Huế về Hồng Thủy, từ Hồng Thủy lên An Cựu, từ Huế lên Nguyên Thủy... và các nơi công cộng như bến xe, các bến đò, các chợ và trường học ...

Ngày 22 – 6 - 1955, hàng vạn nhân dân Huế và vùng ven đã đình công, bãi thị, biểu tình và sau đó tham gia cuộc mit-tinh lớn ở Phu Văn Lâu đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Hàng ngàn nhân dân Hương Thủy đã kéo vào Huế tham gia mít-tinh này và biểu tình kéo đến dinh Tỉnh trưởng Thừa Thiên đưa các yêu sách xung quanh  dân  sinh, dân chủ, hòa bình, thống nhất. Cuộc biểu tình bị lực lượng cảnh sát và quân đội ngụy đàn áp đẫm máu.

Ngày 23 – 10 - 1955, Mỹ-Diệm tổ chức “trưng cầu dân ý” để phế truất Bảo Đại, suy tôn Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống Việt Nam Cộng Hòa. Chúng đề ra “ xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ thùng”. Nhiều xã ở Hương Thủy nhân dân bị bắt đi bỏ phiếu đã gạch chéo cả phiếu xanh lẫn phiếu đỏ và đều bỏ vào giỏ tất. Một số nơi nhân dân viết cả những lời phản đối ghi ở phiếu trưng cầu dân ý, một số cơ sở đã rải truyền đơn phản đối Mỹ - Diệm và bỏ truyền đơn vào thùng phiếu.

Sau các đợt khủng bố, tình hình trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, Tỉnh ủy đã họp kiểm điểm tình hình một năm phát động phong trào đấu tranh chính trị. Tại hội nghị này, Tỉnh ủy đã nêu lên nhiệm vụ lãnh đạo chống địch tố cộng và sau đó ra chỉ thị số 100-CT hướng dẫn Thành ủy, các Huyện ủy, Xã ủy, các chi bộ lãnh đạo quần chúng chống tố cộng của địch.

Trong phong trào đấu tranh chính trị rộng lớn toàn tỉnh, nhân dân các xã đoàn kết đấu tranh thực hiện đúng phương châm, phương pháp của các cấp ủy Đảng đề ra, giành được những thắng lợi để ổn định cuộc sống sau khi hòa bình được lập lại. Tuy nhiên, đây là một thời kỳ thử thách lớn và luôn nảy sinh những phức tạp, khó khăn mới, với điều kiện không có công cụ của chính quyền cách mạng. 

Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn