Hương Thủy trong kháng chiến chống Pháp -Giai đoạn 1949-1953: Kháng chiến toàn dân, toàn diện
Ngày cập nhật 03/04/2015

Ngày 2 – 5 - 1950, Đại hội Đại biểu tỉnh Đảng bộ họp tại Khe Rệ - chiến khu Dương Hòa, đã ra Nghị quyết nêu rõ: “Nhiệm vụ hàng đầu và cấp thiết là xây dựng lực lượng quân sự, phát triển đồng thời cả ba thứ quân, huy động nhân tài vật lực của nhân dân trong tỉnh phục vụ kháng chiến, chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công”. Chấp hành kế hoạch của tỉnh tập trung xây dựng bộ đội chủ lực, với lực lượng của mình, huyện đảm nhận đánh địch trong huyện. Tổng động viên nhân tài vật lực trong huyện, thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Tháng 5 – 1950, toàn tỉnh phối hợp với chiến trường chính đánh mạnh để thu hút và kìm giữ một phần lực lượng cơ động của địch ở Bình – Trị - Thiên, làm giảm bớt áp lực của địch ở chiến trường chính. Trong huyện, đánh mạnh khắp nơi, phối hợp đấu tranh trong nội thành Huế (phá nhà vôi Long Thọ, đánh đầu máy xe lửa, cuộc đấu tranh phá chợ Đông Ba). Huyện ủy đánh địch ở vùng du kích ta kiểm soát với vành đai bao vây của du kích và nhân dân xunh quanh thành phố Huế và các đồn lẻ, sử dụng các hình thức chiến tranh, đánh đường tiếp tế của địch, quấy rối bao vây đồn nhỏ, xúc tiến công tác địch vận. Lực lượng ta đánh với tinh thần tiến công địch, kết hợp chặt chẽ với bao vây kinh tế, tạo ra một cao trào thi đua lập công sôi nổi, đưa phong trào trong huyện đi vào giai đoạn mới – giai đoạn chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công.

Trước tình hình cuộc kháng chiến đang trên đà phát triển, thực dân Pháp quyết phản kích lại. Chúng tăng cường cho chiến trường Bình – Trị - Thiên thêm 1,5 vạn quân, xây dựng các binh đoàn cơ động để đối phó với chủ lực ta, kết hợp với đồn bốt, máy bay, pháo binh, xây dựng lô cốt thành hệ thống.

Năm 1951, sau chiến thắng Cao – Bắc – Lạng, lực lượng ta càng lớn mạnh hơn lên, nước Pháp không còn tin tưởng viễn cảnh chiến thắng về quân sự, duy trì một chế độ bảo hộ trá hình dưới hình thức chiêu bài Bảo Đại. Đế quốc Pháp lập nên ở Việt Nam một chính thể dân chủ lập hiến, tổ chức tổng tuyển cử bầu quốc hội, trao trả độc lập thống nhất ba vùng chỉ là lừa bịp nhân dân.

Hội nghị lần thứ 5 của huyện họp tại Lang Xá Bàu đã ra nghị quyết: “Tiếp tục đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh trong huyện, chuẩn bị những chuyển hướng phòng địch đánh chiếm rộng ra, giữ được cơ sở và nắm được dân, đánh địch thích hợp với điều kiện sau lưng địch”. Huyện ủy cử đồng chí Trần Sử làm Bí thư, Thường vụ Huyện ủy có đồng chí Lê Quý Lược, đồng chí Đức (Cái), đồng chí Nguyễn Công Thu (Xảo), đồng chí Trương Đồng, bác Mỹ. Huyện ủy viên đều là cán bộ cốt cán có kinh nghiệm hoạt động vùng địch hậu, đã từng bám sát cơ sở.

Năm 1951, lực lượng quân sự tỉnh đánh mạnh, quân đội ta san bằng đồn Phổ Lại và lô cốt An Gia, Vọng Trì, chống địch càn quét ở Thanh Hương, Ưu Điềm ( Phong Điền). Quân chủ lực và du kích Phú Vang đánh thắng trận Thanh Lam Bồ. Những trận đánh ấy đã tạo cho 3 huyện phía nam có điều kiện thuận lợi trong việc bảo vệ nhân dân thu hoạch mùa vụ, khắp trong huyện Hương Thủy đánh du kích tiêu hao địch.

Huyện ủy và các chi bộ, chính quyền các cấp đã tích cực thực hiện chính sách thuế nông nghiệp, đảm bảo sự đóng góp của nhân dân cho kháng chiến, vận động phong trào mua công trái kháng chiến, đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hóa xã hội.

Tháng 11 - 1951, bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh địch trên đường quốc lộ nằm trong hệ thống lô cốt ta bị tiêu hao bởi các hỏa lực của các lô cốt và quân cơ động của địch. Cả năm 1951, toàn huyện phải đối phó những trận càn quét lớn bảo vệ cho việc xây dựng hệ thống lô cốt của chúng từ năm 1949 – 1950. Địch xây dựng các ổ đề kháng kiên cố và công sự phòng ngự ở Nam Giao và cư điểm Phú Bài, khu vực ở ngoại vi thành phố, đường quốc lộ. Các đồn của địch ở Nam Giao, An Cựu, Phú Bài được bảo vệ vững chắc, có nhiều đại đội cơ động để chi viện các đồn và lô cốt trong vùng, các đồn bốt và lô cốt được liên kết với hỏa lực mạnh, có lực lượng cơ động, có pháo chi viện, có binh đoàn cứu viện. Với hệ thống đồn bốt, quân địch đánh bật du kích ra khỏi thôn xóm, tập trung gom dân vào trong vòng vây của lô cốt.

Với những lô cốt này, địch đánh bật cơ sở của 2 làng Nguyệt Biều, Lương Quán ra khỏi xã, Huyện ủy đưa đồng chí Hoàng Trọng Chiến, chánh văn phòng huyện ủy, nguyên bí thư chi bộ này tổ chức đột kích vào xã đánh tan và bắt hương vệ, xây dựng cơ sở bí mật, tổ chức quần chúng đấu tranh hợp pháp để phục hồi lại cơ sở. Bộ đội địa phương, du kích không làm sao đánh được lô cốt. Đồn bốt, lô cốt, binh lực và hỏa lực của địch được phát huy liên kết với nhau thành một hệ thống lô cốt, hệ thống này phát triển đến đâu thì hoạt động của ta gặp nhiều khó khăn và bị thu hẹp.

Trong một thời gian dài, khi bao vây kinh tế địch có lợi cho ta về quân sự, bảo vệ an ninh, kiểm soát được người ra vào thành phố, người buôn bán, gia đình ở nông thôn và thành thị thăm viếng nhau. Trên cơ sở lực lượng của nhân dân, ta xây dựng được một vành đai nhân dân bao vây thành phố.

Tuy nhiên, về kinh tế ta gặp khó khăn lớn. Chiến tranh du kích chia ra từng vùng bị cát cứ, ta bị phân tán, không có một thị trường thống nhất, nông thôn bị phụ thuộc hàng hóa vào thành phố, mà thành phố nơi tập trung hàng hóa cả hai vùng ta và địch, ta không có chổ bán và không có hàng để mua. Bao vây kinh tế địch, ta không mua được hàng hóa cần thiết cho đời sống và cho quân sự và hàng hóa ta sản xuất ra không bán được. Khi vành đai bao vây kinh tế địch không còn, mua bán hàng hóa và đồng bạc Đông Dương trở thành tài sản của dân, hàng hóa thiếu thốn căng thẳng ở vùng du kích và vùng chiến khu.

Sang năm 1952, là năm ta đấu tranh giằng co quyết liệt với địch. Đối phó lại thế tiến công của ta, địch tăng cường hệ thống phòng thủ bằng mở rộng hệ thống lô cốt và quân ứng chiến. Địch thường xuyên lùng quét để bảo vệ các đồn bốt của chúng. Sau đó, địch tổ chức càn quét lớn toàn khu vực đồng bằng của huyện Hương Thủy và một phần miền trên của huyện Phú Vang. Cục diện chiến trường diễn ra quyết liệt, địch đánh chiếm khu II Phú Vang, khu III Phú Lộc, nơi mà trước đây cán bộ và nhân dân trong tỉnh gọi là khu điều dưỡng, chiến khu đồng bằng của ta. Đồng bằng huyện Hương Thủy trở thành khu vực hoạt động sau lưng địch.

Phong trào kháng chiến ở huyện Hương Thủy bước qua một giai đoạn mới, đánh du kích và hoạt động trong vùng bình định của địch. Ta gặp nhiều khó khăn, nhưng địch bị căng ra, bị phân tán rộng ra và phải tổ chức càn quét lớn để giữ đất.

Tháng 6 - 1952, bộ chỉ huy Pháp chủ trương đánh lớn vào chiến khu Dương Hòa, Đình Môn, Lương Miêu, chúng bị ta tiêu diệt 300 lính Âu Phi. Với chiến thắng Dương Hòa đã cổ vũ các địa phương trong huyện chống gom dân lập trại tập trung, phá vành đai trắng. Địch tổ chức bao vây đường tiếp tế của ta lên chiến khu. Cuối năm 1952, chủ trương của Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh chuyển chiến khu Dương Hòa ra Hòa Mỹ. Giữa năm 1952, tỉnh đưa cán bộ đi chỉnh huấn ở trung ương và khu IV, chuẩn bị chỉnh huấn trong tỉnh. Đồng chí Nguyễn Minh Phương thay đồng chí Trần Sử làm Bí thư.

Ngày 6 – 2 – 1952, Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị vận động tòng quân và đẩy mạnh chiến tranh du kích. Nhờ những cố gắng vượt bậc, qua tháng 3 – 1952, quân và dân ta đã tiến công và tiêu diệt một loạt vị trí địch ở các huyện, trong đó có huyện Hương Thủy.

Hết năm 1952, Huyện Đảng bộ Hương Thủy đã xây dựng được cơ sở vững chắc ở vùng chiếm đóng. Các chi bộ được củng cố và hoạt động lãnh đạo nhân dân đấu tranh hợp pháp kết hợp hoạt động vũ trang. Giữ được lực lượng du kích, phân tán được bộ đội địa phương vào hoạt động vùng bị chiếm đóng. Đấu tranh chống bắt lính, bảo vệ mùa màng không cho địch lấy thóc gạo của nhân dân, phá vành đai trắng và địch không bao vây được tiếp tế của ta. Với cơ sở của quần chúng đấu tranh hợp pháp, nông dân tiếp tục sản xuất và giữ vững ruộng đất đã chia.

Ở huyện Hương Thủy, trong vùng bị chiếm đóng dọc đường quốc lộ, cán bộ, bộ đội, du kích bị hy sinh nhiều vì quyết giữ cho được cơ sở và đường dây liên lạc. Những sự hy sinh ấy đã đóng góp vào sự thành công về phục hồi cơ sở trong vùng bị tạm chiếm.

Qua năm 1953, công cuộc “bình định cấp tốc, phản công quyết liệt” của địch vẫn tiếp tục. Ở hai huyện Hương Thủy và Phú Vang, địch cướp của nhân dân ta hơn 2900 thùng lúa. Tuy nhiên, những cơ sở vùng tạm chiếm được phục hồi, phong trào du kích chiến tranh phát triển. Công tác địch vận vẫn tiếp tục phát triển, binh lính nhiều đồn bỏ ngũ, hai sĩ quan Âu – Phi đi theo ta. Ở xã Hải Thủy (Thủy Phù ngày nay), một tiểu đội bỏ ngũ tập thể. Các chi bộ trong huyện được củng cố và được tôi luyện ở cả hai vùng du kích và tạm chiếm. Nhân dân làng Thanh Thủy Chánh đấu tranh trực diện với địch, chống bắt lính, chống dời làng.

Đại hội lần thứ 5 của Đảng bộ huyện bầu Huyện ủy và cử đồng chí Nguyễn Minh Phương làm Bí thư. Sau đó, đồng chí Tôn Thất Sơn làm Bí thư Huyện ủy trước khi đi tập kết.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn