Hương Thủy trong kháng chiến chống Pháp: Góp phần xây dựng và củng cố chiến khu Dương Hòa
Ngày cập nhật 02/04/2015

Tháng 5 – 1948, tỉnh quyết định dời chiến khu từ Hòa Mỹ (Phong Điền) vào Dương Hòa (Hương Thủy). Dương Hòa có nhiều thuận lợi khi xây dựng chiến khu. Đây là vùng đồi núi chỉ cách thành phố Huế 12 cây số về phía Tây Nam, nằm ven dãy Trường Sơn, có núi rừng che chắn. Chiến khu nằm giữa 2 nhánh sông Tả Trạch và Hữu Trạch, chảy về sông Hương nên giao thông đường thủy thuận tiện. Xây dựng Dương Hòa thành chiến khu góp phần đẩy mạnh phong trào kháng chiến trong toàn tỉnh, nhất là đối với các huyện phía Nam đang gặp khó khăn.

Chiến khu Dương Hòa được bọc quanh đó là các làng kháng chiến như La Khê Trẹm, Kim Ngọc, Định Môn (Hương Thọ), Dã Lê Thượng (Mỹ Thủy), Phù Bài (Hải Thủy), Thanh Thủy Thượng (Thanh Thủy). Các trạm cảnh giới đã được dân quân các làng, xã xây dựng. Liên lạc cảnh giới giữa các trạm và trung tâm của chiến khu là bằng mõ tre truyền thống.

Những con đường đi lên chiến khu Phương Hải trước đây trở thành con đường tiếp tế cho chiến khu Dương Hòa. Trong đó, phải kể đến con đường tiếp tế và trạm cảnh giới ở Lụ. Khi chiến khu Dương Hòa hình thành, các địa phương phía nam Thừa Thiên đã tổ chức tiếp tế, đưa người lên chiến khu qua tuyến đường Lụ - Tân Ba – thôn Hộ (Dương Hòa). Hàng tiếp tế được tập trung ở Lụ trước khi gồng gánh xuống Tân Ba để vận chuyển qua thôn Hạ và chợ kháng chiến ở đó. Việc tập trung hàng hóa tiếp tế ở Lụ trước khi đưa qua trung tâm chiến khu, cho thấy, vị trí và vai trò của Lụ đối với việc tiếp tế cho chiến khu Dương Hòa, cũng như vai trò quan trọng của con đường Lụ - Tân Ba. Do vậy, những năm đó, người dân vùng chiến khu gọi Lụ là “xóm Trung ương”. Ở đây cũng có trạm liên lạc của Tỉnh ủy.

Sau một thời gian ngắn xây dựng, chiến khu Dương Hòa trở thành trái tim của kháng chiến chống Pháp của tỉnh, của huyện Hương Thủy. Vùng Lương Miêu – Dương Hòa, trung tâm của chiến khu, trở nên đông đúc, nhiều lương thực, thực phẩm được tiếp tế. Bộ đội đóng ở đây có những bãi tập lớn, tập đánh trận du kích trên đất bằng và cả trên đồi núi, rừng rậm và dưới nước. Tại chiến khu Dương Hòa, các ban nghiệp vụ của Ty Công an Thừa Thiên được thành lập và đi vào hoạt động. Các cơ sở như xưởng in, khu nhà làm việc của tỉnh cũng được xây dựng nhằm phục vụ kháng chiến một cách tốt nhất.

Có được chiến khu mới, Tỉnh ủy, Huyện ủy các huyện liền bắt tay vòa việc đẩy mạnh phong trào kháng chiến ở các huyện, xã. Mùa thu năm 1948, Tỉnh ủy đưa bộ đội chủ lực về huyện Hương Thủy, và các huyện khác, để trực tiếp xây dựng và phát triển phong trào kháng chiến.

Tại chiến khu Dương Hòa, Hội nghị Đại biểu Đảng bộ tỉnh được tổ chức từ ngày 16 đến 27 – 4 – 1949, quyết định những vấn đề quan trọng và toàn diện hơn để đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của tỉnh lên một bước mới.

Từ khi ra đời đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954, chiến khu Dương Hòa chứng kiến nhiều trận càn lớn nhỏ, tuy nhiên, 2 chiến thắng tháng 3 – 1949 và tháng 6 - 1952 đã để lại ấn tượng sâu đậm đối với phong trào đấu tranh vũ trang của tỉnh, bẻ gãy ý đồ đánh phá chiến khu Dương Hòa của địch.

Từ ngày 25 – 2 đến ngày 14 – 3 – 1949, một trận càn được thực dân Pháp thực hiện, với 2000 quân có máy bay yểm trợ.  Địch đổ bộ lên mũi đất ở ngã ba Tuần, sau đó đánh thọc vào trung tâm chiến khu – vùng 2 làng Lương Miêu và Dương Hòa. Được sự cảnh giới của các trạm, quân chủ lực và dân quân của chiến khu đã chuẩn bị trận địa. Càng đánh vào sâu, địch càng tổn thất nặng nề. Vì thế, buộc chúng phải rút lui.

Khoảng gần 9 giờ sáng 20 – 6 - 1952, quân Pháp tổ chức 2 hướng tấn công vào chiến khu Dương Hòa. Hướng thứ nhất đi từ ngã ba Tuần lên, hướng thứ 2 từ phía Lụ đi qua Tân Ba và đổ bộ lên bãi đất trước đình làng Dương Hòa (ở thôn Hạ xã Dương Hòa ngày nay). Địch định gây bất ngờ với hai hướng tấn công của 2 tiểu đoàn lê dương. Tuy nhiên, khi chúng hành quân từ phía bên ngoài và hướng về xóm Lụ, dân quân làm nhiệm vụ cảnh giới của ta phát hiện địch và thông báo cho các đơn vị vũ trang ở phía trong. Việc thông tin kịp thời giúp cho các đơn vị vũ trang của ta có sự chuẩn bị kỹ càng, các địa điểm công sự được hình thành. Do đó, khi địch vừa đổ bộ lên khu vực bờ sông trước đình làng Dương Hòa, quân dân ta đã mai phục và nhanh chóng nổ súng đánh phủ đầu. Bất ngờ, quân Pháp bị thương vong nhiều nên cố gắng đánh trả và củng cố đội hình. Dưới hỏa lực của địch, quân dân ta lại rút lui các công sự, chỗ phục kích xa hơn và rộng hơn. Trên các tuyến đường có thể đi, quân dân ta tổ chức các loại hầm chông, bẫy. Quân địch càng tiến sâu vào làng, từ thôn Hạ lên thôn Hộ, càng phải đối phó với hỏa lực của quân dân ta và các loại bẫy, hầm chông mà quân dân ta làm ra. Đến chiều cùng ngày, quân dân ta đã đánh bại được trận càn của quân Pháp, giữ vững chiến khu. 2 tiểu đoàn lê dương Pháp bị tiêu diệt. 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn