Hương Thủy trong kháng chiến chống Pháp: Phong trào cách mạng sau Đại hội đại biể lần thứ II tháng 1-1948
Ngày cập nhật 02/04/2015

Đầu năm 1948, chiến trường Thừa Thiên bắt đầu hình thành các vùng: vùng tự do (các xã miền núi, các chiến khu của tỉnh, huyện), vùng căn cứ du kích (các xã có cơ sở và phong trào kháng chiến tương đối phát triển), vùng bị tạm chiếm. Ở mỗi vùng, địch có những thủ đoạn khác nhau.

Tháng 1 - 1948, Đảng bộ Hương Thủy triệu tập Đại hội Đại biểu lần thứ II, để kiểm điểm phong trào kháng chiến trong một năm và đề ra phương hướng nhiệm vụ mới. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ. Ban chấp hành Đảng bộ phân công đồng chí Lý Thiện Tuấn làm Bí thư. Trong năm, đồng chí Tuấn lại được điều động lên tỉnh, đồng chí Lê Bốn được phân công giữ chức Bí thư.

Mùa khô năm 1948, mùa gặt kết thúc với năng suất và sản lượng đạt khá. Đời sống nhân dân ổn định, hệ thống tổ chức cơ sở Đảng, các đoàn thể cứu quốc, lực lượng vũ trang từng bước được củng cố. Một số cuộc hành quân vào chiến khu Phương Hải của địch bị bộ đội huyện và dân quân du kích ta bẻ gảy. Chúng tiến hành nhiều cuộc vây ráp liên tiếp vào thôn xóm.

Để thực hiện âm mưu bình định, địch chia huyện Hương Thủy ra hai khu vực để đánh phá: 1. Vùng địch không lập được hội tề, các vùng tiền chiến khu, các làng mạc trên đường tỉnh lộ Tuần – Dã Lê, vùng trên đường quốc lộ I từ An Cựu Tây đến Phú Bài, trên đường cầu Lim (Nam Giao trở lên, lăng Tự Đức, Xuân Sơn, Châu Chữ) chúng coi là vùng Việt Minh, vùng tự do bắn giết, đốt phá. 2. Vùng tranh chấp, vùng ven thành phố từ đường quốc lộ trở xuống, chúng tiến hành càn quét liên tục, kiểm soát ngặt nghèo. Bắn giết cán bộ, tự vệ, du kích, đẩy cán bộ ra khỏi thôn xóm, lùng bắt thanh niên đi lính. Ngăn chặn mọi hoạt động của Việt Minh, kiểm soát đi lại, mua bán và vận chuyển lương thực, thuốc cứu thương và chửa bệnh. Khi không được lập hội tề, chúng dã man tàn bạo phá hoại sản xuất. Mục đích là cắt nguồn tiếp tế của bộ đội ta, làm tê liệt lực lượng kháng chiến của nhân dan. Nhưng ta tổ chức được nhân dân, phát triển được chiến tranh du kích. Các đoàn dân công cả ngày lẩn đêm vận chuyển lương thực và thuốc men tiếp tế cho chiến khu, lặng lẽ vượt qua đường quốc lộ lên chiến khu.

Tháng 12 - 1948, chỉ thị của trung ương Đảng về tổng phá tề trong toàn quốc. Tỉnh ủy phát động phong trào phá hội tề trong toàn tỉnh. Ủy ban kháng chiến các cấp trực tiếp chỉ đạo, lấy lực lượng công an và du kích làm nòng cốt. Số tề còn lại ban ngày hoạt động sát đồn địch, ban đêm phải trốn vào đồn bốt, ta tổ chức bắt và xử lý đưa ra tòa xử án hoặt giam giử cải tạo những tên dựa vào đồn Pháp, như Lý Luyện ở đồn Nam Giao cũng bị bắt và đưa ra tòa xét xử. Số còn lại rất ít, nằm trong đồn địch lại bị bao vây, không còn tác dụng. Bị  cắt đứt mọi liên lạc với cơ sở của chúng, ngụy quyền cấp huyện bị vô hiệu hóa. Phong trào quần chúng nhân dân được kiện toàn và phát triển, bộ đội địa phương huyện được xây dựng thành đại đội.

Tất cả các làng điều đánh du kích, lực lượng kháng chiến làm chủ thôn xóm, huyện trở thành một huyện du kích làm chủ trong đánh địch. Hoạt động vũ trang được đẩy mạnh, đều khắp trong huyện. Sau trận Võ Xá đã đưa chiến tranh nhân dân phát triển theo một trình độ bình diện rộng và cao khắp trong toàn huyện.

Hương Thủy đã xây dựng được những thôn, xóm, làng, xã thành những trung tâm của từng vùng, từng làng, xã có cơ sở quần chúng vững mạnh, phát triển được sản xuất, bảo vệ được mùa màng, giữ vững được an ninh, có dân quân tập trung, có tổ chức đảng, có chi bộ vững mạnh lãnh đạo. Những địa phương trung tâm đi đầu như Võ Xá, Vĩ Dạ, Châu Chữ, Dương Xuân Thượng, Dương Xuân Hạ, Phường Đúc, Nhất Đông, Phường Chánh, Thanh Thủy Thượng, Dã Lê Thượng, Vân Dương, Dã Lê Chánh, Vân Thê, Lang Xá...

Với phong trào quần chúng phát triển, giải phóng Dương Hòa, nối liền chiến khu Hòa Mỹ và các chiến khu Phú Lộc( La Hy, Khe Tre) trở thành con đường Bắc-Nam đi vào liên khu V (nối liền liên khu IV và liên khu V). Chúng ta bắt đầu làm chủ con đường quốc lộ I (vào ban đêm) từ An Cựu đến đèo Hải Vân và xây dựng được những đường trục cho nhân dân và quân đội đi qua ban đêm, nhân dân đi đông đúc như đi chợ, mở chợ nối liền hai vùng đồng bằng và chiến khu. Các đường trục đi ngang qua được bảo vệ an toàn, đường Phú Bài, đường Dã Lê, đường Thanh Thủy Thượng, đường từ Huế qua An Cựu lên chiến khu, đường từ Ga Huế lên chiến khu.

Nhân dân trong huyện tích cực gia tăng sản xuất, vùng đồng bằng trù phú cung cấp lương thực cho chiến khu, vùng tiền chiến khu khó khăn về kinh tế, nhưng cũng chia phần sắn khoai cho bộ đội và cán bộ, quanh năm họ không đủ cơm ăn, nói rằng ăn cơm hấp sắn nhưng sự thật chỉ có sắn chìm hạt gạo. Các cơ quan quân sự, chính trị, tình báo, công an, mậu dịch... của ta đóng khắp trong nhà dân, trong các thôn xã lân cận thành phố Huế. Trạm liên lạc trung ương của tỉnh đặt ở ấp 5 Dã Lê Thượng. Trạm liên lạc đón đồng bào, cán bộ, nhân sĩ, trí thức, học sinh ở Huế ra tiếp xúc với chiến khu đặt ở ngã 3 lăng Tự Đức theo đường ôtô đi Huế, lên Tuần và đồi Vọng Cảnh.

Các trận đánh trong huyện tập trung vào mùa cấy và mùa gặt, bao vây đồn để nhân dân cấy và gặt, chống càn quét lớn không cho địch cướp lúa. Tháng 9 -1948 bộ đội địa phương của huyện và du kích xã Vân Thê tiêu diệt một trung đội địch ở Vân Thê diệt 8 lính Pháp, thu 8 khẩu súng. Du kích các xã và bộ đội địa phương huyện đánh địch thu hẹp phạm vi chiếm đóng diễn ra giáp với phạm vi thành phố Huế và huyện Hương Thủy. Tập kích địch ở miếu Đại Càn, chặn đánh địch ở cầu Phát Lát ...

Xây dựng được những bàn đạp quần chúng vững mạnh ở làng mạc huyện Hương Thủy bao quanh thành phố Huế, từ Nguyệt Biều, Lương Quán, Phường Đúc, Dương Xuân Thượng và Hạ đến ga Huế,  từ Võ Xá, Vĩ Dạ, Cư Chánh đến Nam Giao, từ Ngự Bình đến chợ An Cựu. Qua phong trào, Hương Thủy đưa mọi hoạt động của thành phố, dựa vào phong trào và các hoạt động trong thành phố để bảo vệ vùng cơ sở của huyện Hương Thủy sát thành phố. Sự hoạt động tương hỗ và sự đoàn kết giữa hai Đảng bộ giúp cho cả hai bên phát triển lực lượng đánh địch.

Chiến tranh du kích phát triển lên một bước mới,đến đỉnh cao, địch không dám ra khỏi đồn, đặt quân địch vào thế bị bao vây. Quân địch chỉ kiểm soát được từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều ở An Cựu và Nam Giao, trên đường quốc lộ I chạy qua huyện Hương Thủy, 8 giờ sáng chúng phải hoạt động mở đường mới thông được đường quốc lộ. Những đồn bốt nằm sâu trong đồng bằng Hương Thủy bị bao vây và bị du kích bắn tỉa (như Thanh Thủy Chánh, Dã Lê Thượng, Sư Lỗ. Vành đai của nhân dân bao quanh thành phố và căn cứ Phú Bài, kiểm soát hàng hóa ra vào trong nội thị.

Giữa năm 1948, sau khi đã anh dũng làm xong nhiệm vụ khó khăn ban đầu, chiến khu Phương Hải đã chuyển các nhiệm vụ của mình đảm đang sang chiến khu Dương Hòa - chiến khu trung tâm đánh Pháp của tỉnh. Các cơ quan lãnh đạo, các ngành của tỉnh có lực lượng võ trang an ninh bảo vệ, là chiến khu gần thành phố nhất, sự tiếp tế từ đồng bằng, thành phố cũng có mặt thuận lợi. Chiến khu Phương Hải trước đó trở thành một phần của chiến khu của tỉnh – chiến khu Dương Hòa. Có chiến khu Dương Hòa, phong trào kháng chiến của tỉnh nói chung và Hương Thủy nói riêng bước sang một giai đoạn mới. 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  

® Chịu trách nhiệm nội dung UBND thị xã Hương Thủy
Điện thoại, fax: 0543.861928 - Email: huongthuy@thuathienhue.gov.vn